Tiêu chí đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ biển quốc gia
Nghiên cứu khoa học biển chính là yếu tố quyết định của phát triển bền vững. Những hiểu biết về khoa học biển là một yếu tố quan trọng để quản lý hiệu quả các hoạt động của con người ảnh hưởng đến môi trường và sinh vật biển.
Những hiểu biết khoa học công nghệ biển cũng rất cần thiết để dự báo, giảm nhẹ và định hướng những sự thay đổi của xã hội để đối phó với những tác động của đại dương đến cuộc sống của con người trên phạm vi không gian và thời khan khác nhau [1]. Cụ thể, để quản lí các hoạt động của con người nhắm hướng tới mục tiêu sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển, chúng ta cần phải biết nền địa chất và địa vật lí của đại dương, các quá trình vật lý xảy ra cùng với sự vận chuyển dòng nước của các đại dương và biển trên thế giới; nguồn, sự phân bố và trạng thái của các vật chất (bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo), sự phân bố của các loài động thực vật, các quá trình sinh học điều chỉnh và duy trì năng suất của các hệ sinh thái và tương tác của chúng. Trải qua thời gian, con người có hiểu biết chung về đại dương cũng như những kiến thức truyền thống về biển được xây dựng và tích lũy hàng thiên niên kỉ nay. Nghiên cứu khoa học biển có vai trò quan trọng trong việc kiểm chứng kiến thức truyền thống và xác định những vấn đề mới nổi, từ đó hình thành nền tảng thông tin, phục vụ cho các nhà hoạch định chính sách, nhằm đưa ra những phương án quản lí và định hướng phù hợp. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ biển còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Những công nghệ tiên tiến với khả năng số hóa và tự động hóa cao giúp nâng cao khả năng sản xuất và cung cấp dịch vụ, cũng như tăng cường cơ chế quản lí, sắp xếp bộ máy sản xuất [4, 6]. Điều này được thể hiện rõ ràng qua sự tăng trưởng của thông số Năng suất các yếu tố tổng hợp (MFP) ở các nước trong Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD trong những năm đầu thế kỉ 21 [6]. Đặc biệt, sự phát triển về công nghệ thông tin và truyền thông đã cải thiện hiệu suất trong các lĩnh vực dịch vụ, tạo điều kiện giao tiếp, giảm chi phí giao dịch và cho phép mạng lưới và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp [6]. Ở Việt Nam, những bước tiến trong hoạt động khoa học công nghệ đã có những đóng góp đáng kể cho hoạt động công nghiệp và chế tạo. Theo báo cáo tại Hội nghị “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” tháng 01 năm 2017 của bộ Khoa học và Công nghệ, việc đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong ngành kinh tế biển. Trong lĩnh vực dầu khí, Việt Nam đã nắm vững nhiều công nghệ hiện đại, áp dụng để nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các mỏ trong khai thác thứ cấp, tam cấp như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng... Đặc biệt, Việt Nam đã thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu kinh tế biển thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, điển hình như giàn khoan tự nâng 120m (Tam Đảo 05) - giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam [10].
Tiềm lực khoa học công nghệ được định nghĩa là khả năng hấp thụ và duy trì kiến thức hoa học và sử dụng kiến thức ấy để tiến hành nghiên cứu và phát triển [9]. Cụ thể là khả năng hấp thụ kiến thức để sử dụng một cách khoa học cho việc tăng cường phát triển kinh tế xã hội; và sự tiến bộ về khoa học và công nghệ với khả năng tạo ra những tiến bộ về khoa học kĩ thuật.
Tiềm lực khoa học biển là tiền đề và cơ sở của việc quản lí và thực thi các chính sách [7, 8]. Trình độ khoa học kĩ thuật của một quốc gia phần nào phản ánh sự phát triển của công nghệ, giáo dục và văn hóa của quốc gia đó. Việc đánh giá được tiềm lực khoa học công nghệ sẽ là thước đo cho các nhà quản lí trong quá trình hoạch định chính sách. Cụ thể như là đánh giá một lĩnh vực hay chính sách như sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế, điều kiện xã hội; đánh giá sự phát triển theo thời gian; so sánh tương quan phát triển giữa các quốc gia [7] để có thể có những định hướng quy hoạch, phát triển và đặc biệt là đầu tư phù hợp. Hiện nay trên thế giới, nhiều nhà đầu tư luôn quan tâm đến khả năng hoạt động khoa học công nghệ của đối tượng đầu tư của họ [3, 8]. Việc có một bảng chỉ số thể hiện mối tương quan trong phát triển khoa học công nghệ cũng như dự đoán xu hướng và tiềm lực khoa học công nghệ biển của các quốc gia trong tương lai sẽ không chỉ là cơ sở cho kế hoạch, chính sách đầu tư của chính quốc gia đó mà còn có thể là yếu tố thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Từ những đánh giá và phân tích trên, việc đề xuất các chỉ tiêu, yếu tố để đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ của mỗi quốc gia là rất quan trọng. Trên cơ sở các chỉ tiêu đó, có thể tiến hành nghiên cứu chuyên sâu hơn để có được một bộ chỉ số đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ, phục vụ cho việc định hướng, hoạch định chính sách của Việt Nam.
Để đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ biển, phải dựa vào các tiêu chí hay chỉ số nhằm định lượng và so sánh về tiềm lực KHCN biển. Trên thế giới hiện nay đã có một số công trình với những hệ thống chỉ số đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ trong các ngành riêng biệt như Y tế, Giáo dục hay theo các mức độ tổ chức, quốc gia, khu vực [1–3, 5, 9]. Những nghiên cứu này là cơ sở để tác giả đề xuất các chỉ tiêu cho việc đánh giá Tiềm lực khoa học công nghệ biển của mỗi quốc gia, làm nền tảng cho những nghiên cứu của Việt Nam trong tương lai để phát triển một bộ chỉ số đánh giá. Qua đánh giá, phân tích, các chỉ tiêu được dựa trên cơ sở là yếu tố cho phép việc hấp thụ, duy trì, sử dụng và tạo ra tri thức khoa học, công nghệ và có thể được chia thành 3 nhóm:
(1) Điều kiện: bao gồm các điều kiện giúp hình thành, tiếp thu và phát triển công nghệ. Các yếu tố như chính sách, kế hoạch cho phát triển công nghệ là một trong những điều kiện quan trọng của phát triển khoa học công nghệ, tuy nhiên, yếu tố này rất khó đánh giá, đặc biệt trong điều kiện của từng quốc gia nên sẽ không được coi là một trong các chỉ tiêu. Chỉ số được đề xuất trong nhóm điều kiện là Tỉ lệ tiền đầu tư cho Khoa học công nghệ so với chi ngân sách nhà nước hàng năm. Chỉ tiêu này thể hiện mức độ đầu tư cũng như xu hướng đầu tư cho khoa học công nghệ của mỗi quốc gia. Trong chỉ tiêu này, tỉ lệ tiền đầu tư cho các lĩnh vực có thể được phân tích để phục vụ cho các mục đích, định hướng cụ thể hơn. Việc sử dụng tỉ lệ cũng giúp đánh giá được tương quan khi so sánh giữa các quốc gia có sự khác biệt về điều kiện kinh tế.
(2) Nguồn lực: bao gồm cả nguồn lực con người và cơ sở vật chất, phục vụ cho khả năng thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ. Các chỉ số thuộc nhóm nguồn lực bao gồm:
- Tỉ lệ số lượng nhà nghiên cứu trên tổng số người lao động. Chỉ số này giúp hình dung quy mô của lực lượng nghiên cứu của mỗi quốc gia, giúp phần nào đánh giá được năng lực thực hiện nghiên cứu của quốc gia đó.
- Số lượng chuyên gia: Các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực biển, với mực độ nghiên cứu chuyên sâu và chất lượng cao, có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nền khoa học và công nghệ biển của mỗi quốc gia [11]. Đặc biệt, nếu có thể phân tích được tỉ lệ chuyên gia trong một vài lĩnh vực ưu tiên thì có thể có căn cứ để định hướng đầu tư và đào tạo trong tương lai. Để có thể xác định được số lượng các chuyên gia cho chỉ tiêu này, cần có một bộ tiêu chuẩn cụ thể và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tương quan đồng đều khi so sánh với các quốc gia khác.
- Số lượng các cơ sở nghiên cứu: Số lượng các cơ sở nghiên cứu như trường đại học, viện, phòng thí nghiệm, các trung tâm cũng là một chỉ tiêu quan trọng trong nhóm nguồn lực để đánh giá tiềm lực nghiên cứu khoa học của mỗi quốc gia. Tuy nhiên cần có một hệ thống đánh giá toàn diện để có dữ liệu về các cơ sở nghiên cứu đủ điều kiện cho chỉ tiêu, cũng như đặt chỉ tiêu này trong tương quan phù hợp để có thể thực hiện so sánh, đối chiếu giữa các quốc gia.
Bảng 1. Số lượng các cơ sở nghiên cứu về biển của một số quốc gia
Quốc gia |
Số lượng cơ sở nghiên cứu |
Việt Nam |
26 |
Thái Lan |
29 |
Australia |
115 |
Mỹ |
625 |
Trung Quốc |
87 |
Nhật Bản |
67 |
Nguồn: IOC 2018
- Số lượng tàu: Số lượng tàu là chỉ số có thể định lượng được về cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu biển của mỗi quốc gia. Số lượng tàu giúp định hình khả năng trang bị và nghiên cứu biển của quốc gia đó. Trường Đại học Delaware Mỹ đã thực hiện một dự án cung cấp thông tin về lịch trình và số lượng tàu nghiên cứu của một số quốc gia trên thế giới trên trang web www.researchvessels.org, thông tin ở đây có thể được sử dụng để tham khảo cho việc so sánh số lượng tàu của các quốc gia.
- Thiết bị theo dõi và quan trắc biển: Việc trang bị các hệ thống theo dõi và quan trắc biển giúp gia tăng năng lực nghiên cứu biển của mỗi quốc gia trên cả phương diện thời gian và không gian. Các hệ thống này cũng thể hiện trình độ, năng lực khoa học công nghệ biển của mỗi quốc gia.
(3) Kết quả: bao gồm các tri thức, công nghệ được khám phá, phát triển, phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Đặc trưng cho nhóm này bao gồm các chỉ số:
- Số lượng công bố (hàng năm hoặc theo từng giai đoạn): Số lượng các bài báo, công trình nghiên cứu được xuất bản là yếu tố then chốt giúp đánh giá khả năng nghiên cứu và tạo ra tri thức, sáng tạo mới của một quốc gia. Chỉ tiêu này nên bao gồm cả số lượng xuất bản và chỉ số thể hiện mức độ đóng góp của các quốc gia đối với những công trình được xuất bản. Điều này là thực sự cần thiết khi các nghiên cứu thường bao gồm nhóm các nhà khoa học từ các nước khác nhau, việc tính toán theo tỉ lệ đóng góp sẽ cung cấp một cái nhìn chính xác cho việc đánh giá tiềm lực nghiên cứu. Thêm vào đó, tiêu chuẩn để đánh giá các công bố cũng cần phải định hình rõ, ví dụ chỉ tính các công bố trên các tạp chí uy tín, thuộc các hệ thống như ISI (Viện Thông tin và Khoa học Mỹ) và Scopus.
Bảng 2. So sánh số lượng công bố trung bình năm và tỉ lệ đóng góp của một số quốc gia trên thế giới trong giai đoạn 2012 – 2014.
Quốc gia |
Số lượng công bố |
Tỉ lệ đóng góp |
Thứ hạng thế giới |
Mỹ |
269.016 |
20.5 |
1 |
Trung Quốc |
191.043 |
14.5 |
2 |
Nhật Bản |
64.730 |
4.9 |
3 |
Đức |
64.072 |
4.9 |
4 |
Anh |
58.208 |
4.4 |
5 |
Nguồn: Viện Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia Nhật Bản, 2016
- Số lượng bằng sáng chế (hàng năm hoặc theo từng giai đoạn): Tương tự như số lượng các công bố, xuất bản, số lượng bằng sáng chế thể hiện tính thực tiễn, khả năng ứng dụng công nghệ kĩ thuật của các quốc gia. Chỉ tiêu số lượng bằng sáng chế cũng cần phải có những tiêu chuẩn nhất định để đánh gía như số lượng công bố.
Bùi Anh Tuấn
Tài liệu tham khảo
[1] Bernal, P. and Simcock, A. (2016).The first global integrated marine assessment. Marine Scientific Research. United Nations. 11–18.
[2] Cooke, J. (2005).A framework to evaluate research capacity building in health care. BMC Family Practice. vol.6, 1–11.
[3] Essence on Health Research (2016).Planning, Monitoring and Evaluation Framework for Research Capacity Strengthening - Revision 2016. ESSENCE Good practice document series.
[4] G7 Academies’ Joint Statements (2017).New economic growth: the role of science, technology, innovation and infrastructure.
[5] National Institute of Science and Technology Policy Japan (2016).Digest of Japanese Science and Technology Indicators 2016.
[6] ORGANISATION FOR ECONOMIC CO-OPERATION AND DEVELOPMENT (2000).Policy Brief: Science, Technology and Innovation in the New Economy. Organisation for Economic Co-operation and Development. vol.55, 2, 1–12.
[7] Wagner, C.S. et al. (2004).Can Science and Technology Capacity be Measured?
[8] Yang, S.L. and Han, R.Z. (2013).Evaluation of science and technology innovation ability of provincial colleges and universities in China. International Conference on Management Science and Engineering - Annual Conference Proceedings. 2333–2340.
[9] Gotelli, N.J. and Chao, A. (2013).Measuring and Estimating Species Richness, Species Diversity, and Biotic Similarity from Sampling Data. Encyclopedia of Biodiversity. vol.5, 195–211.
[10] Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: (2017).https://www.most.gov.vn/cchc/tin-tuc/493/9399/khoa-hoc-va-cong-nghe-phuc-vu-phat-trien-kinh-te---xa-hoi.aspx. Accessed: 2018-03-28.
[11] Ocean Expert - Directory of Marine and Freshwater Professionals: (2018).https://oceanexpert.net/. Accessed: 2018-03-28.