Biến rác thải nhựa thành nhiên liệu tàu biển
Rác thải nhựa trên các hòn đảo có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho những con tàu dọn dẹp chúng.
Các nhà nghiên cứu từ Học viện Bách khoa Worcester, Viện Hải dương học Woods Hole và Đại học Harvard (Mỹ) nhận định, rác thải nhựa trên các hòn đảo có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho những con tàu dọn dẹp chúng. Trong bài báo đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu đã mô tả cách nhựa ở đại dương có thể được chuyển đổi thành nhiên liệu tàu biển.
Nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng, hàng triệu tấn nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Một số được nghiền thành các mảnh và phân tán. Trong khi số khác trở thành đống rác khổng lồ trôi nổi ở những vùng xa xôi của đại dương. Đây là điều đáng báo động bởi sự nguy hiểm mà rác thải nhựa gây ra với sự sống ở đại dương.
Trong bối cảnh này, các nhà bảo vệ môi trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành dọn rác thải nhựa. Thông thường, một con tàu sẽ được sử dụng để thu rác thải nhựa. Sau đó, con tàu sẽ trở lại cảng. Rác thải nhựa cũng sẽ được xử lý.
Trong nỗ lực mới, các nhà nghiên cứu cho rằng, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu biến nhựa thành nhiên liệu để giúp máy và hoạt động của các con tàu không bị gián đoạn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, rác thải nhựa có thể được chuyển đổi thành một loại dầu thông qua quá trình hóa lỏng thủy nhiệt (HTL). Trong quá trình này, nhựa được nung nóng đến 300 – 550 độ C ở áp suất gấp 250 – 300 lần so với điều kiện mực nước biển.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng, một con tàu mang bộ chuyển đổi HTL sẽ có khả năng sản xuất đủ dầu để bộ chuyển đổi HTL và động cơ hoạt động. Theo kịch bản của các nhà khoa học, công cụ thu rác thải nhựa sẽ được đặt cố định tại nhiều địa điểm xung quanh khu vực. Nhờ đó, có thể chuyển rác thải nhựa đã thu được lên tàu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc đốt dầu sẽ giải phóng carbon vào khí quyển. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng, lượng carbon này vẫn sẽ ít hơn so với mức carbon thải ra từ một con tàu đốt dầu thông thường thực hiện nhiệm vụ đi tới các cảng.
Nhóm nghiên cứu đồng thời lưu ý, HTL tạo ra một lượng nhỏ chất thải rắn. Do đó, chất thải này sẽ cần được đưa về cảng, với tần suất có thể là vài tháng một lần. Theo các nhà khoa học, nhiên liệu thừa do HTL sản xuất có thể được sử dụng cho những chuyến đi này.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cục Đăng kiểm Việt Nam