Banner
Tin tức

Việt Nam sẽ tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa: Thu hút nguồn lực quốc tế

(TN&MT) - Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, khu vực Đông Á, Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng đối với sự gia tăng rác thải nhựa đại dương và chống lại ô nhiễm rác thải nhựa để bảo vệ cộng đồng, hệ sinh thái và nền kinh tế.

Hiện, không ít các tổ chức quốc tế đang tích cực hỗ trợ tài chính giúp Việt Nam hạn chế rác thải nhựa bằng hàng loạt các giải pháp từ Trung ương tới địa phương, tiến đến nền kinh tế tuần hoàn…

Tập trung giải pháp mang tính thực tiễn

Thời gian qua, các cuộc Hội thảo, Hội nghị quốc tế đều nhấn mạnh, cần xây dựng một thoả thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương. Theo đó, sẽ khắc phục được những vấn đề mang tính chất thực tiễn và cốt lõi đang là những “vướng mắc” của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là: Nguồn lực cho vấn đề xử lý rác thải nhựa còn phân tán, mục tiêu của mỗi quốc gia chưa rõ ràng; không có nghĩa vụ chung nào đối với mỗi quốc gia trong việc phát triển Kế hoạch hành động quốc gia và không có tiêu chuẩn thống nhất để đánh giá.

Việc xả rác thải ra biển là nguyên nhân chính làm ô nhiễm môi trường biển

Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, quán triệt tinh thần “Việt Nam – thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc” và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam với công đồng quốc tế, Việt Nam đã có những quyết sách mang tính chất quyết liệt và sát thực trong việc ban hành Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.Việc chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và trách nhiệm báo cáo việc xử lý nhựa giữa các khu vực, giữa các quốc gia như thế nào còn chưa thực sự rõ ràng; Cách tiếp cận theo vòng đời sản phẩm nhựa lấy kinh tế tuần hoàn nhựa làm trung tâm thì hình thức, phương pháp can thiệp vào mỗi giai đoạn như thế nào cũng vẫn là một câu hỏi lớn.

Quốc tế chung tay bằng nhiều nguồn lực

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các dự án cụ thể của địa phương để giảm thiểu việc sử dụng nhựa một lần và tăng cường tái chế. Đây chính là hiệu quả có được từ việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) cho biết: “Việc thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đánh dấu một mốc quan trọng trong khung chính sách quốc gia và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam. Không có giải pháp nào có thể đơn độc giải quyết vấn đề cấp bách nhất của chúng ta hiện tại. Liên kết các ngành công nghiệp và doanh nghiệp để chuyển giao sang mô hình kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ họ nhân rộng các giải pháp sáng tạo”.

Tổ chức bảo tồn thiên nhiên (WWF), đã kêu gọi được 9,8 triệu Euro từ Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân, Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ cho Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam để triển khai tại 10 khu vực ở 9 tỉnh thành phố, bao gồm: A Lưới (Thừa Thiên - Huế); Đà Nẵng; Đồng Hới (Quảng Bình); Hà Tĩnh; Long An, Rạch Giá (Kiên Giang); Tuy Hòa (Phú Yên) và 3 khu bảo tồn biển là Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Phú Quốc. Dự án đã được triển khai từ năm 2019 với 4 hợp phần: Truyền thông; Chính sách quản lý chất thải rắn; Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Đô thị giảm nhựa và Khu bảo tồn biển.

Dự án quy mô nhỏ hơn nhưng có giá trị xã hội cao đó là Dự án Quản lý từ nguồn tới biển (S2S) do Tổ Chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) hiện đang hợp tác với Viện nước Quốc tế Stockholm (SIWI) thí điểm một dự án do GIZ tài trợ tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, tập trung vào quản lý rác thải rắn nhằm giảm rác thải trên biển cũng hình thành và triển khai tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn có Dự án “Quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững SDGs” được thực hiện giữa Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam và Nhật Bản để xây dựng Hải Phòng thành thành phố tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Tin tức liên quan