Hạ tầng giao thông, bệ phóng cho thị trường địa ốc sau dịch
Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách, việc đẩy mạnh đầu tư, triển khai hệ thống các dự án hạ tầng kết nối được kỳ vọng trở thành bệ phóng cho thị trường địa ốc sau dịch.
Một tuyến metro đang xây dựng tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Khẩn trương triển khai các dự án hạ tầng
Có thể nói, chưa khi nào các công trình hạ tầng khu vực phía Nam được khởi động mạnh mẽ như hiện nay. Hàng loạt dự án kết nối liên vùng đã, đang và chuẩn bị được triển khai là chìa khóa tạo ra xu hướng mới cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Sau gần 10 năm triển khai, đường Vành đai 3 và 4 – tuyến đường kết nối các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam gây nhiều thất vọng bởi sự chậm trễ. Vì thế, mới đây, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hàng loạt công trình hạ tầng, trong đó tuyến đường Vành đai 3 và 4 được xem là công trình trọng điểm được gấp rút triển khai.
Trong văn bản mới đây gửi các bộ, ngành liên quan và các địa phương có đường Vành đai 3 và 4 đi qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP. Trong đó, lưu ý nghiên cứu phương án thu phí tổng hợp trên toàn tuyến và phân bổ đến từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật. Về phía UBND các địa phương, phải khẩn trương chỉ đạo đơn vị đầu mối làm việc với Bộ Giao thông – Vận tải và các đơn vị tư vấn, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án thành phần để chủ trì triển khai thực hiện (UBND các địa phương chủ trì quản lý đầu tư dự án hoặc là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư theo hình thức PPP) theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai đầu tư, lưu ý triển khai đồng thời các dự án đường Vành đai 3 và 4 theo điều kiện của từng địa phương, sớm khép kín các tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.
Đường Vành đai 3 và 4 là tuyến đường kết nối các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết và phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc cũng như quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn khu vực.
Ngoài tuyến Vành đai 3 và 4, Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đây đã khởi công phân khu tái định cư và giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết, đến tháng 10/2021 sẽ đảm bảo bàn giao 1.800 ha đất sạch để phục vụ giai đoạn 1 của sân bay, phần diện tích còn lại sẽ được thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ cho chủ đầu tư vào năm 2022.
Trước đó, dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cũng đã chính thức được khởi công xây dựng. Dự án có có chiều dài 99 km, mặt đường rộng hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Ngoài ra, nhằm hướng đến sự đồng bộ trong hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, Bộ Giao thông – Vận tải đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai).
Những con đường, cây cầu đi qua dự án luôn là điểm hút khách. Ảnh: Lê Toàn
Theo Bộ Giao thông – Vận tải, với quy mô 4 làn xe, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang có hiện tượng quá tải, thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng xe trên tuyến ngày càng tăng. Vì vậy, việc đầu tư mở rộng tuyến đường sẽ vừa đáp ứng nhu cầu vận tải gia tăng, đảm bảo an toàn giao thông, vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài những dự án trên, một loạt dự án hạ tầng kết nối liên vùng khác như cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối các tỉnh miền Tây với Đồng Nai đang trong giai đoạn hoàn thành; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, kết nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh đang được đầu tư xây dựng; cao tốc Biên Hòa – Bà Rịa chuẩn bị khởi công xây dựng; cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng cũng đang lên kế hoạch triển khai; cao tốc Phan Thiết – Cam Ranh (Khánh Hòa) chuẩn bị thực hiện…
Bên cạnh đó, sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng gấp đôi quy mô từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng, đưa sân bay này trở thành 1 trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Theo phân tích của giới chuyên môn, câu chuyện đẩy mạnh phát triển các công trình hạ tầng kết nối liên vùng không chỉ đảm bảo kết nối, giao thương, mà còn là cơ hội để mở rộng, phát triển quỹ đất, thúc đẩy thị trường bất động sản dọc theo các tuyến vành đai phát triển.
Hình thành “tứ giác du lịch”
Như một quy luật chung, nơi nào hạ tầng phát triển càng nhiều thì nơi đó có thị trường bất động sản phát triển càng mạnh. Minh chứng là thời gian qua, nhiều vùng đất mới chưa từng xuất hiện trên bản đồ thị trường địa ốc đã được các nhà đầu tư ồ ạt rót vốn.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland chia sẻ, một trong những chiến lược trọng tâm của Tập đoàn thời gian tới là sẽ phát triển mạnh các dự án bất động sản ở các địa phương có tốc độ phát triển hạ tầng nhanh. Trong đó, TP.HCM – Bình Thuận – Khánh Hòa – Lâm Đồng được xác định là “vùng tứ giác” nhiều tiềm năng, đặc biệt là với bất động sản nghỉ dưỡng – phân khúc sẽ được đẩy mạnh phát triển hơn trong thời gian tới.
Thực tế, thời gian qua, thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam ghi nhận sự phát triển vũ bão. Nếu như những năm trước đây, tâm điểm của thị trường là các địa phương lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, thì trong vài năm trở lại đây đã không ngừng mở rộng sang một loạt địa phương khác như Bà Rịa – Vũng Tàu hay xa hơn là Bình Thuận, Khánh Hòa.
Đơn cử, tại Bình Thuận, theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt đại dự án có nguồn vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng đang được triển khai như dự án Mũi Né Summerland Resort – tổ hợp giải trí và tiệc tùng theo mô hình Las Vegas, Macau thu nhỏ với quy mô 31,5 ha của Hưng Lộc Phát Corp; Thanh Long Bay quy mô 120 ha của Tập đoàn Nam Group và đặc biệt là NovaWorld Phan Thiet với quy mô 1.000 ha của Novaland, mà theo chia sẻ của ông Bùi Thành Nhơn, dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD.
Không chỉ xuống biển, các nhà phát triển còn kéo nhau “lên rừng” hay xuôi về miền Tây để phát triển dự án. Ví dụ, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), chỉ từ giữa năm 2020 đến nay, địa phương này đón nhận gần 20 chủ đầu tư địa ốc với loạt dự án bất động sản quy mô lớn. Trong đó, các doanh nghiệp lớn như Hưng Thịnh đã mua gom gần 2.000 ha, Novaland đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Bảo Lộc để xúc tiến đầu tư… Cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư lên Bảo Lộc là nhằm đón đầu cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, bên cạnh tận dụng lợi thế “đặc sản” khí hậu ôn hòa và giá đất còn mềm để phát triển các dự án nghỉ dưỡng.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn