Chương trình KC.09/16-20 khai phá vùng biển sâu
Giai đoạn 2016-2020 là một bước ngoặt mới sau hàng chục năm Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển” được triển khai.
Không chỉ gói gọn phạm vi nghiên cứu ở vùng biển ven bờ, các nhà khoa học đã có thể tiến tới vùng biển sâu, từ đó mở ra những hướng nghiên cứu mới giúp khai thác vùng biển này trong thời gian tới.
Tàu Viện sĩ Oparin
Tàu Viện sĩ Oparin, nơi các nhà khoa học Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cùng hợp tác thực hiện khảo sát Biển Đông, tìm hiểu tài nguyên sinh vật biển, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025” giữa hai Viện.
Lần đầu tự chủ nghiên cứu biển sâu
Sau 45 năm triển khai chương trình nghiên cứu cấp nhà nước, “đây là lần đầu tiên KC.09 tiến ra biển sâu. Chúng tôi đã thu được rất nhiều mẫu và có thể tiến hành phân tích mẫu, đồng vị và các thành phần của nó”, PGS.TS Nguyễn Hoàng (Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) không giấu được niềm vui của mình khi chia sẻ về những kết quả đã đạt được tại Hội nghị Tổng kết Chương trình KC.09/16-20.
Là người trực tiếp tiến hành một trong bốn đề tài thuộc cụm đề tài địa chất khoáng sản, PGS. Nguyễn Hoàng đã chứng kiến khó khăn trong quá trình đưa các nhà khoa học ra khu vực vùng biển sâu để có thể tiến hành các nghiên cứu một cách thuận lợi và an toàn. Nếu ở những giai đoạn trước, về cơ bản Chương trình KC.09 chỉ tiến hành nghiên cứu ven bờ và thuê tàu của ngư dân, hải quân; nhưng trong giai đoạn này, ban quản lý Chương trình đã ‘mạnh dạn’ đề xuất với Bộ KH&CN thuê một con tàu hiện đại và lắp đặt trang thiết bị tiên tiến để phục vụ việc điều tra cơ bản khoáng sản biển sâu.
Nhờ đó, cụm bốn đề tài địa chất khoáng sản đã có thể sử dụng các thiết bị lấy mẫu địa chất và mẫu nước mới nhất, làm rõ hơn quy luật hình thành và phân bố khoáng sản vỏ mangan và kết hạch sắt – mangan ở Biển Đông. Kết quả nghiên cứu sẽ khẳng định vùng nghiên cứu có – và mức độ của nó – hay không có triển vọng khoáng sản, từ đó định hướng các bước tiếp theo trong tìm kiếm khoáng sản ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Viện Dầu khí Việt Nam cũng tham gia nghiên cứu cấu trúc địa chất và các điều kiện hình thành khí hydrat ở vùng nước sâu thềm lục địa miền Trung và Đông Nam Bộ nhằm xây dựng bộ tiêu chí địa chất, địa vật lý và các phương pháp nghiên cứu giúp xác định khí hydrat ở thềm lục địa Việt Nam. Từ bộ tiêu chí này, các nhà khoa học sẽ tiếp tục đề xuất giải pháp triển khai công tác điều tra, đánh giá tài nguyên khí hydrat trong lĩnh vực nghiên cứu, xác định các dấu hiệu nhận biết khí hydrat, khoanh vùng, dự báo triển vọng khí tại các khu vực nước sâu.
Bên cạnh những nghiên cứu về khoáng sản, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải (Chủ nhiệm Chương trình) cho biết một hướng mới, có giá trị khác của Chương trình là các đề tài về ứng dụng công nghệ tiên tiến giải quyết các nghiệm vụ thực tiễn trong phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Trong đó, đáng chú ý, GS.TS Trần Tân Tiến (trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN) và các cộng sự đã nghiên cứu thành công sự hình thành, phát triển, di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên biển Đông hạn ba ngày, xây dựng được bộ số liệu chuẩn phục vụ thử nghiệm hệ thống dự báo ở chế độ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng và thử nghiệm hệ thống LETKF-WRF và SÓNG trong dự báo nghiệp vụ cho bốn trường hợp bão năm 2020, thu được kết quả tốt khi dự báo quỹ đạo, cường độ và dự báo thời tiết. “Các sản phẩm dự báo thời tiết này chi tiết hơn những dự báo hiện có, công nghệ dự báo tiệm cận với các công nghệ tiên tiến trên thế giới”, GS. Hải nhấn mạnh.
Song song với đó, một số đề tài hướng đến những nghiên cứu giúp trực tiếp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do xói lở bờ biển trong khai thác, sử dụng tài nguyên dải ven biển như giải pháp công nghệ đê trụ rỗng và mặt cắt đê biển có cấu kiện tiêu sóng trên đỉnh; xây dựng được một mô hình ứng dụng công nghệ tiêu tán, hấp thụ, giảm năng lượng sóng, chống xói lở bờ biển phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (tại Nhà Mát, Bạc Liêu) và mô hình ứng dụng công nghệ tiêu tán hấp thụ, giảm năng lượng sóng, chống xói lở bờ biển phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (Bắc Đá Bạc – Cà Mau).
Hạn chế về nguồn lực
Dù Chương trình về cơ bản đã mở rộng phạm vi tiến ra biển, tuy nhiên so với những đặc thù của một quốc gia với đường bờ biển trải dài 3.260km, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang, với khí hậu nhiệt đới tạo điều kiện cho sinh vật biển phát triển và tồn tại tốt, vùng thềm lục địa với hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, những gì chúng ta làm được dường như vẫn còn quá ít ỏi.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Trong mọi lĩnh vực nghiên cứu, ‘gạn đục khơi trong’ để tìm lấy một nhà khoa học có trình độ cao đã khó, riêng lĩnh vực này lại càng khó khăn hơn khi các nhà khoa học không chỉ phải có năng lực nghiên cứu mà còn phải sở hữu một thể lực tốt, chịu được những cơn say sóng sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Do đó, theo TS. Nguyễn Viết Nghĩa (Viện Nghiên cứu Hải sản – Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn tới, Chương trình cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu về biển. “So với các nước trong khu vực và trên thế giới, lực lượng nghiên cứu của chúng ta còn khá mỏng. Rất nhiều các thầy cô dù đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng vẫn phải trực tiếp tham gia nghiên cứu, vì lực lượng trẻ vẫn chưa đạt đến trình độ nghiên cứu chuyên sâu, chưa đủ đáp ứng những yêu cầu về nghiên cứu biển”, ông phân tích.
Không nói đâu xa, bản thân “Trung Quốc – nước láng giềng của Việt Nam – đã có hơn 250 tiến sĩ nghiên cứu về Biển Đông rồi”, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), chia sẻ một con số mà theo ông là dấu hiệu cho thấy “Chương trình cần phải quan tâm nhiều hơn đến đào tạo cơ bản”. Dù rằng một Chương trình kéo dài năm năm không thể đào tạo được hàng trăm tiến sĩ một lúc, nhưng đó sẽ là tiền đề để phát triển bền vững nguồn nhân lực cho mảng nghiên cứu khoa học công nghệ biển. Thậm chí, GS. Phan Trọng Trịnh (Viện Địa chất – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã đưa ra kiến nghị rằng Chương trình nên tạo điều kiện cho những nhà khoa học trẻ có năng lực tham gia chủ trì đề tài để có kinh nghiệm thay thế cho những giáo sư dù là ‘cây đa cây đề’ nhưng không theo kịp tiến bộ khoa học hoặc không xuất bản được công bố.
Bên cạnh vấn đề về nguồn nhân lực ít ỏi, hạn chế về nguồn lực đầu tư cũng là một bài toán khó đối với các nhà khoa học. Dù rằng Chương trình giai đoạn này đã dành một nguồn kinh phí không nhỏ để thuê tàu biển với các trang thiết bị hiện đại để các nhà khoa học thực hiện các chuyến khảo sát một cách an toàn và thuận lợi, nhưng PGS.TS Lê Văn Cương cho rằng Chương trình vẫn nên dành thêm một phần kinh phí thích đáng để các nhà khoa học có thể đi khảo sát các mô hình kinh tế biển thành công trên thế giới, từ đó tìm ra mô hình mang lại hiệu quả, đáp ứng được những điều kiện đặc thù ở vùng biển Việt Nam.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Hoàng, một khó khăn lớn về mặt kinh phí mà đề tài của nhóm ông gặp phải đó là không có tiền để gửi mẫu ra nước ngoài phân tích. “Thực tế, hơn một nửa số mẫu chúng tôi thu thập được từ các chuyến khảo sát vẫn còn nằm trong kho, nhưng chúng tôi không đủ nguồn lực tài chính để gửi mẫu ra nước ngoài”. Mặt khác, giả dụ nếu có đủ thì nhóm nghiên cứu cũng không thể chuyển tiền ra nước ngoài vì vướng mắc cơ chế, do đó “Chương trình nên có cơ chế đặc biệt để giúp đỡ các nhà khoa học thanh toán khoản tiền gửi mẫu ra nước ngoài phân tích trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện và trình độ để phân tích mẫu.”
Dù vậy, những khó khăn về nguồn nhân lực lẫn nguồn lực đầu tư không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều, thậm chí cũng không thể dứt điểm trong một Chương trình chỉ kéo dài năm năm. Để giải quyết được những vấn đề đó, đòi hỏi ban quản lý phải xây dựng được một Chương trình với tầm nhìn dài hạn, điều mà theo PGS.TS Lê Văn Cương nêu ra là “tất yếu”, bởi “một chương trình trọng điểm quốc gia phải nhìn xa tối thiểu 30 năm, thậm chí 40 năm, chứ không phải chỉ dừng lại con số năm năm. Thời gian chính là một phần lời giải cho bài toán về sự bền vững của Chương trình”.
Nếu Chương trình KC.09 thuê tàu của ngư dân, hải quân nên chỉ tiến hành nghiên cứu ven bờ, thì trong Chương trình KC.09/16-20, chúng tôi đã ‘mạnh dạn’ đề xuất với Bộ KH&CN thuê một con tàu hiện đại và lắp đặt trang thiết bị tiên tiến để phục vụ việc điều tra cơ bản khoáng sản biển sâu.
Nhờ đó, cụm bốn đề tài địa chất khoáng sản đã có thể sử dụng các thiết bị lấy mẫu địa chất và mẫu nước mới nhất, làm rõ hơn quy luật hình thành và phân bố khoáng sản vỏ mangan và kết hạch sắt – mangan ở Biển Đông. Kết quả nghiên cứu sẽ khẳng định vùng nghiên cứu có – và mức độ của nó – hay không có triển vọng khoáng sản, từ đó định hướng các bước tiếp theo trong tìm kiếm khoáng sản ở Biển Đông.
PGS.TS Nguyễn Hoàng
Bên cạnh những kết quả mang tính chất dự báo và bảo vệ khu vực bờ biển, các đề tài trong Chương trình đã hoàn thiện hơn 10 sản phẩm hữu ích được ứng dụng tại các địa phương ven biển và đảo ven bờ. Có thể kể đến hai mô hình nuôi trồng rong biển có giá trị kinh tế cao, thực hiện trên hai đảo huyện ven bờ (Lý Sơn và Phú Quý), sản xuất được 10.000 kg rong nho tươi và rong sụn tươi; các bộ mô hình dự báo khí tượng thủy văn và môi trường biển, được áp dụng thử nghiệm tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ; sản xuất thử nghiệm thành công hơn 300 kg chế phẩm sinh học từ hàu, cá và rong đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế…
Nguồn: Báo Khoa học & Phát triển